Mỗi chuyến bay tuỳ loại máy bay lớn nhỏ, có số lượng chỗ nhất định và được chia làm nhiều hạng giá (tất cả các hãng từ trong nước đến quốc tế).
I. ĐẶC THÙ GIÁ VÉ MÁY BAY:
- Giá vé máy bay thay đổi theo phút, theo giây:
Ví dụ: Một máy bay có 200 chỗ, 10 chỗ đầu tiên được bán với giá 400.000đ (hạng khuyến mãi, siêu khuyến mãi, tiết kiệm,...). 10 chỗ tiếp theo giá 800.000đ, 10 chỗ tiếp theo bán giá 1.200.000đ (hạng phổ thông) và tăng dần đến 10 chỗ cuối cùng giá 5.000.000đ (hạng thương gia).
Cùng 1 lúc trên khắp nước Việt Nam hoặc thế giới có khoảng 1.000 đến nhiều triệu đại lý cùng đặt chỗ cho chuyến bay đó. Giây trước mua được vé khuyến mãi, giây sau người ta mua sạch cả vé phổ thông, chuyện sau 1 giây giá tăng lên gấp chục lần là chuyện bình thường.
- Giá vé cũng thay đổi tuỳ theo giờ bay, ngày bay, giờ cao điểm, giờ đẹp thì giá sẽ cao hơn vì nhu cầu mua lớn hơn. Vì thế cũng đừng thắc mắc tôi mua cho ngày mai sao giá cao hơn mua lúc nửa đêm nay.
Vì những đặc thù khác hẳn giá ô tô, giá vé tàu (cố định) nên nhiều khách hàng cảm giác như mình bị lừa đảo. Thực ra không phải các anh chị bị lừa đảo, mà đôi khi vừa báo giá cho anh chị 1 triệu, điền họ tên xong để giữ chỗ nó đã tăng lên 3 triệu. Lúc đó gặp khách hàng không thông cảm mà ăn vạ thì đúng người bán vé gia môn bất hạnh. An toàn nhất có lẽ là phải giữ chỗ ra code vé xong mới dám chắc chắn với khách hàng.
- Hãng hàng không gần như không bao giờ bán vé khuyến mãi cho những dịp cao điểm. Anh chị có khi nào thấy các cửa hàng quần áo sales off loại hàng mà họ bán đắt và khan hàng không? Họ chỉ bán khuyến mãi loại hàng ế ẩm, vào mùa thấp điểm hoặc hàng lỗi mốt. Vé máy bay cũng vậy, đừng nhờ canh vé 0đ vào dịp hè, lễ, tết. Nếu có khuyến mãi thì cũng là 1 chiêu gì đó của hãng và tỷ lệ cực cực kỳ thấp. Vì thế, nếu có kế hoạch về tết, nên mua vé càng sớm cành tốt để được giờ đẹp.
II. VÌ SAO NÊN MUA VÉ QUA ĐẠI LÝ?
Qua thống kê hàng nghìn lượt khách hàng (mang tính tương đối), những người mình đã từng phục vụ và trao đổi thì:
- Có tới khoảng 30% những người có nhu cầu đi lại bằng máy bay không hề biết sử dụng internet để truy cập và đặt vé.
- Có 20% khách hàng biết dùng internet nhưng không biết đặt vé trên các website của hãng hoặc vì sợ sai sót nên không thử. Hoặc cả năm họ mới mua vé 1 vài lần nên cũng không có nhu cầu tìm hiểu làm gì cho kỹ.
- 50% những khách hàng còn là những người thành thạo sử dụng internet, biết rõ hệ thống đặt vé của các hãng và đã từng ít nhất 1 lân đặt trước khi quen và đặt qua đại lý. Họ đều là những người thành thạo cách đặt, nhưng họ vẫn đặt qua đại lý.
Với 2 đối tượng khách hàng đầu tiên thì dĩ nhiên lựa chọn của họ là Đại lý bán vé hoặc phòng vé của hãng, hoặc nhờ ai đó mua.
Với đối tượng khách hàng thứ 3, có một số lý do sau khiến họ đặt vé qua đại lý:
1. Giá mua trên web online cũng bằng hoặc chênh lệch trên dưới một chút với đại lý, không có sự chênh lệch nhiều.
2. Đặt qua web online rất dễ xảy ra sai sót, mà mỗi sai sót thì đều được trả bằng tiền. Dù sao "trăm hay không bằng tay quen", người trong nghề họ sẽ rành hơn những người 1 tháng chỉ đặt 1-2 vé. Dù hệ thống đặt vé các hãng giờ cũng đã đơn giản hóa nhiều, nhưng vẫn rất hay đặt bẫy khách hàng mà nếu không có chuyên môn, anh chị phải trả cho những cái phí linh tinh không đáng có hoặc sai thứ tự họ tên, hoặc nhầm nhọt nhiều chi tiết.
3. Các anh chị chỉ thao tác tìm được những hành trình đơn giản, còn những hành trình quốc tế phức tạp rất khó để tìm, cũng không biết được nhiều hệ thống với nhiều hãng để tìm được lựa chọn tốt nhất. Đôi khi đặt 1 hành trình mà thời gian transit không đảm bảo cũng dẫn đến mất vé.
4. Với các công ty cần xuất hóa đơn đỏ để thanh toán thì đặt vé online là thua rồi đó.
5. Trong trường hợp các anh chị ko thực hiện được chuyến bay, đại lý có thể giúp các anh chị nhượng vé đó cho các phòng vé khác/ khách hàng khác, gỡ gạc lại tiền cho các anh chị. Nếu các anh chị tự đặt thì với những tấm vé không được hoàn trả, chỉ có cách bỏ đi.
6. Rất nhiều những tình huống ở sân bay như đi trễ, quên giấy tờ,... các đại lý quen biết an ninh sân bay có thể hỗ trợ các anh chị, còn tự mua vé thì tự xử lý.
7. Có một số hành trình, giả sử đi Côn Đảo, đảm bảo mua web online các anh chị luôn bị đắt hơn 500k - 1, 2 triệu/ vé so với đặt qua đại lý. Vì sao thì người trong nghề mới biết.
8. Không phải chủ doanh nghiệp nào, anh chị trăm công nghìn việc nào cũng rảnh rỗi ngồi dò từng cái vé để đặt. Thay vì 30 phút ngồi đặt vé, họ bỏ ra 30 giây gõ một cái tin cho đại lý và họ đạt được kết quả. Thời gian còn lại để họ kiếm vài ba trăm cho công việc khác.
9. Vé các chặng cao điểm (như lễ tết) cực kỳ khó các anh chị đặt được và luôn luôn mua giá cao hơn mua qua đại lý.
10. Và còn rất nhiều những lý do...
So sánh việc tự mua vé giống như các anh chị tự ra chợ mua thức ăn về chế biến, tốn thời gian nấu nướng, nấu ko khéo thì khê, cháy, mua phải thức ăn có độc thì có thể đi bệnh viện. Còn nếu các anh chị đến 1 nhà hàng chuyên nghiệp thì được chọn thức ăn ngon, ko tốn công làm, ko có rủi ro gì hết, có độc thì nhà hàng phải chịu trách nhiệm phần nào đó cho tính mạng của các anh chị. Giá cả lại không có sự khác biệt mà nhà hàng thì hay khuyến mãi, tri ân, phục vụ các anh chị như thượng đế.
Dĩ nhiên, nếu chị nào nấu ăn khéo, vẫn nên mua đồ ăn về nhà chế biến cho chồng con ăn, khi đó các chị cảm thấy hạnh phúc vì chính tay mình nấu nên món ăn đó. Đặt vé cũng thế, nếu các anh chị cảm thấy có khả năng tự đặt cho mình, tự xử lý khi có sự cố xảy ra một cách chuyên nghiệp thì "tự túc là hạnh phúc", chúng ta nên tự làm.
Nếu ai cũng nghĩ tự mình nấu ăn thì có lẽ các nhà hàng đóng cửa hết.