Công văn số 6291/TCT-QLN ngày 26/12/2024 của Tổng cục Thuế v/v cưỡng chế tiền thuế nợ

Công văn số 6291/TCT-QLN ngày 26/12/2024 của Tổng cục Thuế v/v cưỡng chế tiền thuế nợ

Văn bản pháp luật

Công văn số 6291/TCT-QLN ngày 26/12/2024 của Tổng cục Thuế v/v cưỡng chế tiền thuế nợ

BỘ TÀI CHÍNH
TỔNG CỤC THUẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 6291/TCT-QLN
V/v cưỡng chế tiền thuế nợ

Hà Nội, ngày 26 tháng 12 năm 2024

 

Kính gửi: Cục Thuế thành phố Hà Nội.

Tổng cục Thuế nhận được văn bản số 59440/CTHN-QLN ngày 05/11/2024 của Cục Thuế thành phố Hà Nội về việc phối hợp thực hiện cưỡng chế nợ thuế đối với người nộp thuế có chi nhánh, đơn vị phụ thuộc chưa chấm dứt hoạt động mà vẫn còn nợ thuế. Về vấn đề này, Tổng cục Thuế có ý kiến như sau:

- Tại khoản 1 Điều 44 Luật Doanh nghiệp số 59/2020/QH14 ngày 17/6/2020 của Quốc hội quy định:

“Điều 44. Chi nhánh, văn phòng đại diện và địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp

1. Chi nhánh là đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp, có nhiệm vụ thực hiện toàn bộ hoặc một phần chức năng của doanh nghiệp, bao gồm cả chức năng đại diện theo ủy quyền. Ngành, nghề kinh doanh của chi nhánh phải đúng với ngành, nghề kinh doanh của doanh nghiệp.

- Tại Điều 84 Bộ Luật dân sự số 91/2015/QH13 ngày 24/11/2015 của Quốc hội quy định:

“Điều 84. Chi nhánh, văn phòng đại diện của pháp nhân

1. Chi nhánh, văn phòng đại diện là đơn vị phụ thuộc của pháp nhân, không phải là pháp nhân.

2. Chi nhánh có nhiệm vụ thực hiện toàn bộ hoặc một phần chức năng của pháp nhân.

3. Văn phòng đại diện có nhiệm vụ đại diện trong phạm vi do pháp nhân giao, bảo vệ lợi ích của pháp nhân.

4. Việc thành lập, chấm dứt chi nhánh, văn phòng đại diện của pháp nhân phải được đăng ký theo quy định của pháp luật và công bố công khai.

5. Người đứng đầu chi nhánh, văn phòng đại diện thực hiện nhiệm vụ theo ủy quyền của pháp nhân trong phạm vi và thời hạn được ủy quyền.

6. Pháp nhân có quyền, nghĩa vụ dân sự phát sinh từ giao dịch dân sự do chi nhánh, văn phòng đại diện xác lập, thực hiện.

- Tại khoản 1 Điều 125 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 ngày 13/6/2019 của Quốc hội quy định:

Điều 125. Biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế

1. Các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế bao gồm:

a) Trích tiền từ tài khoản của đối tượng bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế tại Kho bạc Nhà nước, ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng khác; phong tỏa tài khoản;

b) Khấu trừ một phần tiền lương hoặc thu nhập;

c) Dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu;

d) Ngừng sử dụng hóa đơn;

đ) Kê biên tài sản, bán đấu giá tài sản kê biên theo quy định của pháp luật;

e) Thu tiền, tài sản khác của đối tượng bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế do cơ quan, tổ chức, cá nhân khác đang nắm giữ;

g) Thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, giấy phép thành lập và hoạt động, giấy phép hành nghề.

…”

- Tại khoản 6 Điều 34 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định:

“Điều 34. Cưỡng chế bằng biện pháp ngừng sử dụng hóa đơn

6. Trường hợp người nộp thuế bị cưỡng chế là chi nhánh, văn phòng đại diện, đơn vị phụ thuộc hoạt động sản xuất kinh doanh tại địa bàn tỉnh/huyện này nhưng có trụ sở chính ở địa bàn tỉnh/huyện khác, cơ quan thuế quản lý trực tiếp chi nhánh, văn phòng đại diện, đơn vị phụ thuộc không có đủ điều kiện để thực hiện cưỡng chế hoặc không thực hiện được quyết định cưỡng chế thì cơ quan thuế quản lý chi nhánh, văn phòng đại diện, đơn vị phụ thuộc chuyển toàn bộ hồ sơ đến cơ quan thuế quản lý trụ sở chính để cơ quan thuế quản lý trụ sở chính thực hiện ban hành quyết định cưỡng chế.

Căn cứ các quy định nêu trên:

Chi nhánh là đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp, có nhiệm vụ thực hiện toàn bộ hoặc một phần chức năng của doanh nghiệp, bao gồm cả chức năng đại diện theo ủy quyền; chi nhánh không phải là pháp nhân. Pháp nhân có quyền, nghĩa vụ dân sự phát sinh từ giao dịch dân sự do chi nhánh, văn phòng đại diện xác lập, thực hiện.

Theo quy định tại khoản 6 Điều 34 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP nêu trên, cơ quan thuế quản lý chi nhánh có trách nhiệm thực hiện các biện pháp đôn đốc và cưỡng chế theo quy định để thu hồi tiền thuế nợ của chi nhánh. Trường hợp cơ quan thuế quản lý chi nhánh không có đủ điều kiện để thực hiện cưỡng chế thì chuyển toàn bộ hồ sơ đến cơ quan thuế quản lý trụ sở chính để cơ quan thuế quản lý trụ sở chính ban hành quyết định cưỡng chế (bao gồm cả trường hợp chi nhánh đã chấm dứt hoạt động). Quy trình thực hiện các biện pháp cưỡng chế áp dụng theo hướng dẫn tại Quy trình cưỡng chế tiền thuế nợ ban hành kèm theo Quyết định số 1795/QĐ-TCT ngày 11/11/2022 của Tổng cục Thuế.

Tổng cục Thuế thông báo để Cục Thuế thành phố Hà Nội biết và thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- PTCTg Đặng Ngọc Minh (để b/c);
- Vụ PC, CS, KK - TCT;
- Website - TCT;
- Lưu: VT, QLN(2b).

TL. TỔNG CỤC TRƯỞNG
KT. VỤ TRƯỞNG VỤ QUẢN LÝ NỢ VÀ CCNT
PHÓ VỤ TRƯỞNG




Đỗ Thị Hồng Minh

Xem chi tiết tại đây.