Loại trừ các khoản vay của bên thứ ba khỏi giới hạn 30% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cộng với chi phí lãi vay, chi phí khấu hao trong kỳ (EBITDA)
Ngày đăng: 22/09/2022
Doanh nghiệp A: "Theo luật hiện hành, tổng chi phí lãi vay trong kỳ của người nộp thuế được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp lên đến 30% EBITDA và chúng tôi hiểu rằng khoản lãi này bao gồm các khoản vay của bên thứ ba, chẳng hạn như khoản vay ngân hàng. Tuy nhiên, việc đưa các khoản vay của bên thứ ba vào phạm vi khấu trừ thuế sẽ là gánh nặng hơn nữa đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, đặc biệt là những doanh nghiệp có nguồn vốn hạn chế, trong khi các doanh nghiệp lớn có đủ vốn sẽ ít bị ảnh hưởng hơn. Do đó, chúng tôi nghĩ rằng quy định này đi ngược lại quan điểm của chính phủ trong việc khuyến khích phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ngoài ra, từ góc độ chuyển giá, nếu khoản vay của bên thứ ba không phải để đầu tư ra nước ngoài thì sẽ không có việc chuyển thuế ra nước ngoài, nên việc gộp cả khoản vay của bên thứ ba vào phạm vi khấu trừ thuế vì mục đích đầu tư trong nước là không hợp lý. Chúng tôi vô cùng cảm ơn quy định nâng mức trần chi phí lãi vay lên 30%, nhưng một lần nữa chúng tôi mong muốn loại trừ các khoản vay của bên thứ ba khỏi giới hạn 30% này."
Chi phí lãi vay bị giới hạn tính vào chi phí để tính thuế TNDN là tổng chi phí lãi vay từ giao dịch vay với bên liên kết và từ bên độc lập để đảm bảo tính công bằng, tuân theo nguyên tắc giao dịch độc lập: DN hoạt động hiệu quả, có thu nhập, có lãi thì mới có thể tiếp tục sản xuất kinh doanh và vay vốn cơ bản phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh.
Đồng thời nguyên tắc này nhằm mục tiêu ngăn chặn và giảm thiểu việc sắp xếp giao dịch vay về hình thức là các khoản vay độc lập nhưng về bản chất là các khoản vay liên kết như khoản vay giáp lưng (công ty mẹ gửi tiền vào ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng độc lập sau đó ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng này cho công ty con vay lại).
Quy định này của Việt Nam được xây dựng trên cơ sở khuyến nghị hành động 4 của BEPS có sự tham vấn của chuyên gia OCED, WB trước khi ban hành
Nguồn: Tổng cục Thuế Việt Nam